Cũng như tôm tép có nhiều loại, cá bống cũng thế. Nào là: bống mú, bống vượng, bống cát, bống trứng, bống nhật, bống sao, bống bọt, bống xèo, bống nhảy... Trong các loại bống đó, tôi đặc biệt nhớ loài cá bống dừa. Có lẽ vì vùng quê tôi (thuộc huyện Gò Công Tây - Tiền Giang) chúng sinh sản nhiều, sống thích hợp với địa thế dừa nước (lá dùng lợp nhà) mọc đầy ven sông rạch. Bống dừa vảy nhuyễn, miệng rộng, lưng đen, lườn trắng; con to cỡ nửa cổ tay, hiếm khi lớn hơn.
Vào mùa cá rộ thường từ tháng 6 - 8 âm lịch cũng là mùa trứng nở, vô số cá con li ti đeo bám đầy bập dừa nước tự đấu tranh sinh tồn. Theo tập tính, nước lớn cá bống lội theo dòng, ẩn mình trong cụm rều rác, nơi ngọn rạch. Khi nước ròng thì ra giữa dòng để trú thân dưới mảnh ván mục, vỏ dừa khô lật úp... Bọn trẻ ở quê vào mùa cá rộ, thường chờ tới ngày nước ròng khoảng từ 14 - 16 âm lịch (trừ tháng nước kém) để đi câu. Thợ câu rành nghề chỉ dùng mồi giun đất bởi cá bống dừa rất khoái khẩu với thức ăn này. Một ngày câu có thể được hàng cân cá dùng làm thức ăn cho gia đình, dư thì bán rất được giá. Nhưng điều thú vị khi bắt cá bống dừa không phải câu mà là... mò bằng tay. Lặn lội trong mênh mông bóng rợp dừa nước, tóm gọn chú bống đen nhẻm, tròn mìnhh, núc ních trứng, cảm giác thật thích thú.
Cá bống dừa thịt dẻ, ngọt, ướp nước mắm ngon, kho tiêu bằng tộ hay nồi đất, hương thơm nức mũi. Có người thích kho sả ớt, hay nấu canh với lá bồ ngót, mướp hương... cơm đã no còn thèm. Luộc cá rỉa thịt nấu nồi cháo hành, tiêu cũng ngon. Rồi còn món xỏ lụi nướng trui hoặc nhúng bột chiên cặp rau thơm chấm nước mắm chanh, ớt... Muốn lạ miệng thì um nước cốt dừa, phủ trên là đọt mì, chụm lửa riu riu vừa chín tới, ăn một lần cầm chắc khó quên.
Ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi thích mò cá bống dừa như một trong nhiều thú vui thôn dã. Nhưng những người dân nghèo quê tôi xem đó là việc mưu sinh chính hoặc chí ít cũng để cải thiện bữa ăn gia đình.
No comments:
Post a Comment