Việt Cúc có tên thật là Nguyễn Văn Tám, sinh năm 1906 tại Tân Tây, Gò Công Đông, Tiền Giang. Năm 1921, ông bắt đầu theo học nghề thuốc Đông y; và sau đó, nổi tiếng khắp nơi về tài chữa bệnh và y đức. Ông còn nghiên cứu bào chế các vị thuốc từ những loài dược thảo ở nước ta để thay dần các loại thuốc Bắc nhập từ Trung Quốc và cổ súy việc người nước Nam dùng thuốc của nước Nam. Song song đó, ông còn mở lớp, thu nhận học trò từ nhiều nơi để đào tạo thầy thuốc y dược học dân tộc.
Đồng thời, ông còn được mời đi giảng dạy ở khắp nơi, như TP Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Vũng Tàu, Đồng Nai, v.v… Năm 1981, do tuổi cao sức yếu, ông về an dưỡng tuổi già tại quê nhà. Tuy vậy, ông vẫn miệt mài làm việc, tiếp tục chữa bệnh cứu người và viết sách, truyền lại những kinh nghiệm quý báu mà ông đã đúc rút và tích lũy trong hàng chục năm làm nghề thuốc cho lớp hậu sinh.
Từ khi mới bắt đầu theo ngành y dược học dân tộc cho đến lúc cuối đời, ông đã viết được 24 tác phẩm y dược học dân tộc rất có giá trị, tiêu biểu là các quyển 52 bệnh chứng trị pháp bằng thuốc Nam, 106 vị thuốc Nam thông dụng và kinh nghiệm, 27 loại bệnh chữa bằng thuốc Nam thay thuốc Bắc, 100 y án chữa bằng thuốc Nam, Gia bảo: 102 chứng bệnh chữa bằng thuốc Nam, v.v… Nhận xét về ông, Lương y Cao Tấn Tiến, trong quyển “Thuốc Nam – thuốc Bắc, cổ kim tham khảo”, viết: “, Lão y Việt Cúc xứng đáng nhận danh hiệu “Tuệ Tĩnh thứ hai” mà giới y học miền Nam tôn vinh cho Thầy”.
Không chỉ nổi tiếng trên lĩnh vực y dược học dân tộc, ông còn là một nhà khảo cứu được nhiều người biết đến với tác phẩm Gò Công: cảnh cũ người xưa được in lần đầu vào hai năm 1968 – 1969 và lần tái bản vào năm 1994. Năm 1990, ông qua đời tại xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, thọ 84 tuổi.
TS. Nguyễn Phúc Nghiệp
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment