Chợ Giồng (Gò Công Tây) là nơi có nghề làm bánh giá rất nổi tiếng. Theo lời truyền miệng của cư dân, nghề này xuất hiện cùng lúc với quá trình khai hoang lập ấp của người Việt ở vùng đất này vào thế kỷ XVII.
Nguyên liệu để làm bánh bao gồm thịt heo (lợn) nạc, tôm đất, giá, nấm rơm, nấm mèo (mộc nhĩ), cải Bắc thảo, bột gạo, bột đậu nành, óc heo, dầu thực vật hoặc mỡ heo. Để bánh được ngon, giòn, xốp; người ta trộn chung bột gạo với bột đậu nành theo tỷ lệ 1:1 và óc heo, rồi đem ủ khoảng 2 – 3 giờ, sau đó mới đem chiên. Khi làm bánh, người ta cho dầu thực vật hoặc mỡ nước vào chão, đun lên cho thật sôi. Kế tiếp, cho các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn vào vá; và nhúng vá ấy vào chão; đến khi chiếc bánh có màu vàng sậm là vừa chín tới, mang ra ăn nóng kèm với rau thơm, nước mắm tỏi ớt và bún.
Bánh giá Chợ Giồng không chỉ là món ăn bình dân; mà nó còn được hiện diện trang trọng trong các bữa tiệc thịnh soạn (cưới hỏi, tân gia, giỗ chạp, v.v…) ở vùng Gò Công. Nhà văn nổi tiếng Hồ Biểu Chánh thường nhắc đến món này trong các quyển tiểu thuyết của mình.
Hiện nay, điều quan trọng là làm sao cho món bánh giá Chợ Giồng được lan rộng ra khắp nơi, nhằm phát triển một ngành nghề truyền thống của xứ Gò; bởi vì, xét về chất lượng, bánh giá Chợ Giồng hoàn toàn được sánh ngang với bánh tôm Hồ Tây – một món ăn đặc sản của Hà Nội.
Ts. Nguyễn Phúc Nghiệp
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment