Năm 1927 được sự chỉ đạo của Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Nam kỳ và Tỉnh bộ Hội Việt Nam Thanh niên tỉnh Mỹ tho; những hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xã Vĩnh Kim mà chủ chốt là Trần Văn Hoè, Trần Ngọc Viện và Nguyễn Thị Dành (cô và mẹ ruột của GSTS Âm nhạc Trần Văn Khê) đã sáng lập cải lương Đồng Nữ Ban, nhằm dùng sân khấu làm nơi tập hợp quần chúng; giáo dục tin thần yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm cho nhân dân, nhất là giới Thanh niên - học sinh; qua đó góp phần đào tạo cán bộ cho cách mạng; đồng thời việc thành lập gánh cải lương còn để gây quỹ tài chính các hoạt động của các tổ chức cách mạng ở địa phương.
Gánh do cô Trần Ngọc Viện (cô ba Viện) làm bầu gánh kim luôn đạo diễn, có khoảng 30 diễn viên, toàn là thiếu nữ tuổi từ 17 đến 21, đều là con em của các gia đình yêu nước, tiến bộ ở Vĩnh kim, dám đạp đổ thành kiến “xướng ca vô loài” cho con gái của mình vượt qua bức tường phong kiến “ khuê môn bất xuất” đễ ra làm việc nghĩa, chống gian tà, gánh đi lưu diễn nhiều nơi ở Nam kỳ và tạo nên tiếng vang tốt trong lòng quần chúng hâm mộ.
Nhận thấy tính cách “quốc sự” của gánh, nên giới cầm quyền thực dân ở Nam kỳ đã ra lệnh cho Đồng Nữ Ban phải ngưng hoạt động vào năm 1929. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn; nhưng gánh đồng Nữ Ban là niềm tự hào của nữ giới Tiền Giang trong công cuộc vận động giải phóng dân tộc và góp thêm sự đa dạng của sân khấu cải lương trong những năm 20 của thế kỷ vừa qua.
Tiến sĩ : NGUYỄN PHÚC NGHIỆP
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment